Hát dân gian miền Nam bao gồm:
Tuồng, tức hát bộ, còn gọi là hát bội hay luông tuồng là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam. Hầu hết các học giả nghiên cứu kinh kịch Trung Quốc đều xác nhận kinh kịch là loại kịch của Thanh triều tại kinh thành Bắc Kinh, tức “Bắc Kinh kịch nghệ”. Còn hát bộ của Việt Nam là hát diễn tương tự kinh kịch nhưng theo “Kinh điển kịch lệ”. “Bộ” đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn. Vì vậy mới gọi là “hát bộ”, “diễn bộ”, “ra bộ”. Gọi là “hát bội” bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ… lên người.
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ.
Hò (tiếng Anh: Chanty) là một thể loại diễn xướng nhạc điệu phổ biến trong đời sống Việt Nam từ cổ đại, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng, diễn tả tâm trạng của người lao động. Hò và lý tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với một động tác khi làm việc còn lý thì không. Lý, trong âm nhạc dân gian Việt Nam, là một trong rất nhiều làn điệu dân ca của người Việt. Lý cùng với các làn điệu khác như hò, cò lả, nam ai, nam bình, hát xoan, hát xẩm, hát ru,… tạo những nét độc đáo của dân ca Việt Nam. Điệu lý đặc biệt phát triển ở Trung Bộ và Nam Bộ, miền trung là trung tâm của các điệu lý.
Hát lý được phân biệt với hò vì không gắn liền với một động tác lao động hay giao duyên. Lý cũng có nhạc tính cố định hơn hò, câu hát đều đặn, trong khi hò có thể thêm câu dài câu ngắn, tùy người hát.